Tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính

Bài cuối: Tránh tình trạng ứng cử viên nữ gánh nhiều cơ cấu

- Thứ Tư, 06/03/2024, 07:27 - Chia sẻ

Cùng với từng bước xóa bỏ những rào cản về giới, tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính, cần phát huy vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong định hướng, tham mưu, tư vấn giới thiệu nguồn; có tiếng nói mạnh mẽ với cấp ủy, HĐND để tránh tình trạng ứng cử viên nữ phải gánh quá nhiều cơ cấu khi hiệp thương giới thiệu (nữ, trẻ, ngoài đảng,…); tập huấn, trang bị các kỹ năng, bồi dưỡng nguồn kế cận…

Từng bước xóa bỏ rào cản về giới

So với nam giới, số lượng nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND vẫn là số ít nhưng có vai trò quan trọng cùng Quốc hội, HĐND quyết định các quyết sách quan trọng, lồng ghép giới, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Những quyết sách nhân văn của HĐND các cấp là minh chứng cho quyền con người và bình đẳng giới được ghi nhận trong Hiến pháp cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia đã được cụ thể hóa trong thực tiễn, đi vào cuộc sống danh chính ngôn thuận, dịu dàng và ấm áp.

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, thực tế ở nhiều địa phương, việc tham chính của phụ nữ vẫn đang gặp phải nhiều định kiến như tâm lý cho rằng phụ nữ thiếu kiên quyết, dứt điểm trong việc ra quyết định; hay quan niệm “nam trưởng, nữ phó” khiến một số nơi, phụ nữ ít được ủng hộ vào các vị trí lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn. Bên cạnh đó, quan niệm về giới truyền thống cho rằng, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc nội trợ, bếp núc, chăm sóc con cái, gắn chặt họ với thiên chức của người mẹ, người vợ, người con, khiến vị trí lãnh đạo trên chính trường của họ thường đứng sau nam giới. Từ đó, phụ nữ phải nỗ lực làm việc gấp đôi mới được thừa nhận.

 Nữ đại biểu HĐND hai cấp thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh hưởng ứng Tuần lễ áo dài
 Nữ đại biểu HĐND hai cấp thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh hưởng ứng Tuần lễ áo dài

Bên cạnh đó, mặc dù đã đạt được những tỷ lệ nhất định về tỷ lệ nữ tham gia đại biểu dân cử, thế nhưng xét về góc độ bình đẳng giới, việc phải đưa ra các tỷ lệ cứng để phấn đấu nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trước các kỳ bầu cử cũng thể hiện rõ sự yếu thế của phụ nữ, cần có sự quan tâm, ưu tiên mới đạt được. “Chỉ khi không còn tỷ lệ cứng tỷ lệ ứng cử viên nữ mà tạo điều kiện để nam nữ thực sự bình quyền trong tham chính thì nữ đại biểu mới thực sự khẳng định được vị thế của mình. Thực tiễn chứng minh với các quyết sách mang tính an sinh xã hội, bảo vệ quyền con người thì nữ đại biểu có những cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề rõ ràng, thuyết phục hơn. Từ đó, các quyết sách của cơ quan dân cử dễ dàng đi vào cuộc sống và khả thi cao hơn. HĐND sẽ hoạt động chất lượng, hiệu quả hơn nếu số lượng nam - nữ đại biểu tương đương” - bà Nguyễn Thị Thùy, nữ đại biểu HĐND huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh chia sẻ.

Ngoài ra, trong một số luật, quy định sự bất bình đẳng chưa được điều chỉnh, như quy định độ tuổi nghỉ hưu của phụ nữ ít hơn so với nam giới, hạn chế độ tuổi quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm đã, đang là những rào cản phụ nữ tham chính. Song song đó, quan tâm cơ cấu và nâng cao số lượng nữ cấp ủy các cấp; có như vậy mới làm tiền đề để phụ nữ tham gia chính trường. Một môi trường làm việc dân chủ, sự công bằng trong đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch cũng như đánh giá sẽ góp phần thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, đặc biệt là trong việc ứng cử làm đại biểu của dân.

Phát huy vai trò Hội Liên hiệp Phụ nữ

Để tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính, đặc biệt là lựa chọn những nữ ứng cử viên ưu tú giới thiệu cho cơ quan dân cử, vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp rất quan trọng. Bên cạnh những định hướng, tham mưu, tư vấn giới thiệu nguồn, Hội cũng cần định hướng và có những biện pháp như tập huấn, trang bị các kỹ năng, bồi dưỡng nguồn kế cận. Cần có tiếng nói mạnh mẽ với cấp ủy, HĐND để tránh tình trạng ứng cử viên nữ phải gánh quá nhiều cơ cấu khi hiệp thương giới thiệu (nữ, trẻ, ngoài đảng,…), vì làm như vậy sẽ giảm số lượng nữ ứng cử viên, chất lượng cũng bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, phát huy trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp như quy định của Luật Bình đẳng giới năm 2006; đó là tăng cường tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan bồi dưỡng, giới thiệu phụ nữ đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI, đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026 - 2031, phụ nữ đủ tiêu chuẩn tham gia quản lý, lãnh đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị; thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái theo quy định của pháp luật. Hội Liên hiệp Phụ nữ phải thực hiện cho tốt chức năng phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Nếu tổ chức Hội của phụ nữ không có tiếng nói để phản biện xã hội đối với các chính sách, pháp luật thì sẽ khó cho phụ nữ tham chính bởi không ai nói thay tiếng nói của mình bằng chính chị em.

LÊ HỒNG HẠNH, Trưởng phòng Tư pháp thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh
#